Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Finger food

Những miếng xúc xích được cắt với độ dài vừa phải, bò kiểu lúc lắc đặt trên miếng bánh mì nhỏ bằng hai đốt tay, bánh que xiên một trái ô liu và lát phô mai cuốn chả giò, gỏi cuốn được cắt đôi...tất cả được đặt gọn ghẽ trên một chiếc khay nhỏ, xinh xắn và hấp dẫn. Một vật dụng không thể thiếu bên cạnh là xấp khăn ăn được xếp ngay ngắn, bởi chắc chắn một điều là những miếng ngon nhỏ xinh đó không thể (và cũng không nên) dùng bất cứ dụng cụ ăn nào khác ngoài những ngón tay. Cách "bốc lủm" này tưởng chừng xuề xòa quá mức mà lại thấy khoan khoái, thú vị hơn nhiều so với thưởng thức bằng dao nĩa, muỗng, đũa trịnh trọng.

Ăn chơi mà lại no lâu

Finger Food là những món ăn theo dạng khai vị khá phổ biến trong ẩm thực thế giới, vốn được khởi nguồn từ những món ăn chơi trong các bữa tiệc cocktail ở phương Tây. Món ăn này thường được phục vụ di động trên các khay nhỏ, vừa để khách nhâm nhi trong lúc chờ đợi, vừa tạo cảm giác thèm ăn, thèm uống vừa đủ trước khi vào phần tiệc chính.

Hầu như các món ăn đều có thể trở thành finger food (tất nhiên ngoại trừ món có thành phần nước). Được chế biến thành những món ăn nhỏ, finger food chủ yếu là các món khai vị hoặc tráng miệng với điều kiện là phải... bốc lủm gọn gàng trong một cái nhón tay. Điển hình có các món phô mai ăn kèm với hoa quả khô như mận, đào, nho, đậu tẩm muối, hoặc biến tấu với thịt nguội, jambon, xúc xích tỏi cuộn hoa khéo léo, bên trên ghim lại bằng cây tăm nhỏ có đuôi cờ hoa, vừa là để trang trí, vừa tiện lợi trong việc ăn nhanh. Finger food có thể là các loại bánh nướng mang màu sắc phương Đông như bánh gối, chiếc sủi cảo chiên giòn tan.

Trong các món finger food, canapé là món nhẹ phổ biến bậc nhất. Hình thức cơ bản của canapé khá đơn giản, bao gồm một miếng bánh mì sandwich nhỏ (hoặc bánh mặn giòn, bánh nướng hoặc bánh xốp mặn) được cắt theo nhiều hình dáng ngộ nghĩnh, vuông tròn, trên đính kèm một ít thức ăn thơm ngon như cá hồi, patê, phô mai, thịt nguội, trứng cá, gan, ngỗng, bơ... được trang trí công phu. Không thể vắng mặt trong mọi bữa tiệc cocktail, canapé thường có vị hơi mặn và cay nhằm kích thích khẩu vị thực khách ngay từ đầu bữa tiệc. Vol-au-vent cũng là một món bánh khai vị tương đối phổ biến, có lớp vỏ ngoài tương tự như bánh pâtéchaud, nhưng lỗ hổng giữa bánh là cả một thế giới nhân phong phú, lúc ngọt ngào với trái cây, phô mai, mứt, khi đậm đà vị mặn với nấm, thịt, hải sản...

Cũng có thể chuẩn bị các món hải sản tẩm bột chiên giòn hay những xiên thịt nướng theo dạng satay, thơm nồng hương quế hồi và mang vị cay cay rất kích thích vị giác. Satay vốn là món ăn chơi mà no thật, giúp thực khách lấp đầy bao tử trong một bữa tiệc toàn những món nho nhỏ, xinh xinh. Có lẽ nhu cầu này cũng ngày một tăng nên lượng finger food "ăn lấy no" thay vì "ăn lấy thảo" ngày càng trở nên phổ biến. Lượng đạm cũng được gia tăng nhờ các món thịt cá, hải sản chế biến công phu, đựng trong những chiếc ly cocktail cao, đẹp mắt.

Finger food kiểu Việt Nam

Tại Việt Nam, finger food nay đã không còn là thị trường độc quyền của các món nước ngoài, bởi những người đầu bếp Việt cũng rất nhanh nhẹn và linh động trong việc tạo nên những món ăn chơi đậm màu sắc quê hương. Các món cuốn là một điển hình cho finger food kiểu Việt. Đây là món ăn dân dã, đầy đủ dưỡng chất mà lại dễ dàng biến tấu thành những phần ăn nhỏ đầy hấp dẫn.

Món cuốn xưa là cách để đo tài vén khéo trong cách ăn uống của người Việt. Nay thì để cho tiện lợi, món cuốn được chế biến sẵn, tạo hình xinh xắn, bày lên khay đĩa cũng tạo nên được một "phong thái bốc" đậm chất Việt Nam. Ngoài gỏi cuốn, bì cuốn, cuốn diêp, phở cuốn... thì nhất định phải kể đến chả giò. Món ăn này phổ biến đến độ hai chữ spring rolls cũng đã xuất hiện thường trực trong thực đơn finger food ở các nhà hàng, khách sạn bên trời Tây.

Ngoài ra, còn phải kể đến các loại nem chả - những thức nguội truyền thống trên bàn tiệc Việt. Những chiếc nem chua, nem rán, chạo tôm bọc mía, chạo càng cua... nhiều hương vị, gói thành từng miếng nhỏ bằng hai ngón tay, không cần trang trí cầu kỳ mà vẫn đủ sức quyến rũ nhờ hương thơm và màu sắc. Nhẹ nhàng hơn thì có chả lụa, chả quế, giò thủ, các món nem công chả phượng... đi kèm với thịt xông khói.

Các món bánh bột cũng làm phong phú phần thực đơn ăn nhẹ trong tiệc đứng, nh bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo chén, bánh ít trần... Mỗi chiếc bánh được cuốn trong lá chuối tươi, tiện cho thực khách nhón tay lấy, chấm vào chút nước mắm pha và bốc lúm ngon lành. Kế đến là các món gỏi, tưởng chừng phải cần đĩa to, đũa găp phức tạp bởi trong thành phần có cả nước mắm rất dễ "bắt mùi" trên cơ thể. Nay thì gỏi được linh động chia vào từng chén xinh xắn hay chiếc muỗng nhỏ, với tay cầm là có thể đưa vào miệng gọn gàng, chuyện ăn uống thật tiện lợi!

Ngồi nhâm nhi finger food, sự ngon miệng và hình dáng nhỏ nhắn của mỗi miếng ăn khiến đôi lúc thực khách khó lòng...ngưng bốc! Nên chọn cách ăn chậm, nhâm nhi để thưởng thức được vị ngon nhiều hơn. Khi ăn từng miếng và cảm nhận rõ hương vị, thành phần, kể cả nhiệt độ của món ăn, mới thấy miếng ăn nhỏ có lý làm sao.
Theo Hải Yến

1 nhận xét:

  1. Bạn cũng có thể sử dụng tiệc finger food tại cty tiệc kiến vàng tổ chức chuyên nghiệp tại hà nội

    Trả lờiXóa